Tác hại của tia UV ảnh hưởng đến làn da của bạn như thế nào?

Tác hại của tia UV ảnh hưởng đến làn da của bạn như thế nào?

Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, tương ứng với lượng ánh sáng mặt trời rất nhiều và chiếu với cường độ mạnh. Điều này dẫn đến cường độ của tia UV cũng cao không kém. Vậy, định nghĩa về tia UV là gì? Tác hại của loại tia này đối với sức khỏe của làn da như thế nào? Bài viết hôm nay chia sẻ tất tần tật thông tin liên quan đến tia UV, cùng DHT khám phá ngay nhé!

Tia UV là gì?

Tia UV (ultraviolet) hay còn gọi là tia cực tím, tia tử ngoại. Tia này có bước sóng ngắn hơn ánh sáng khả kiến, do đó mắt thường không thể nhìn thấy được. Tia UV có thể kích thích quá trình tổng hợp vitamin D tự nhiên của cơ thể, giúp xương chắc khỏe và kìm hãm một số bệnh ngoài da. Tuy nhiên, nếu thường xuyên tiếp xúc với tia UV ở cường độ mạnh sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làn da.

Tia UV có bao nhiêu loại? Chúng đến từ đâu?

Tia UV là sóng điện từ có trong ánh nắng mặt trời. Phổ của tia cực tím bao gồm các loại: 

1. Tia UVA

Là tia có bước sóng dài nhất trong số 3 loại tia cực tím, khoảng 315 – 399 nanomet (nm) và chiếm đến 95% bức xạ UV mà Trái đất nhận được. UVA luôn hiện diện trong ánh sáng mặt trời, kể cả trong điều kiện thời tiết âm u. Tia này có thể xuyên đến lớp hạ bì, làm giảm sự đàn hồi của da và là nguyên nhân gây lão hóa sớm.

2. Tia UVB

Tia UVA ảnh hưởng sâu đến lớp hạ bì của da, gây lão hóa sớm, còn tia UVB tác động đến lớp thượng bì, gây cháy nắng.

Tia UVB có bước sóng ngắn hơn tia UVA, khoảng 280 – 314nm và chiếm khoảng 5% bức xạ UV. Tác hại tia UV này ảnh hưởng đáng kể đến lớp biểu bì ngoài cùng của da, gây sạm da, cháy nắng và phồng rộp, có thể dẫn đến ung thư da.

3. Tia UVC

Bức xạ UVC trải dài ở bước sóng 100 – 279nm, tuy nhiên tia này đã bị chặn lại bởi tầng ozone trong khí quyển, do đó không thể đến được bề mặt Trái đất. UVC là tia cực tím có nguồn năng lượng lớn nhất và gây hại nhiều nhất đến sức khỏe con người, đặc biệt là với mắt và da.

Tác hại của tia UV nghiêm trọng như thế nào?

Tia UV là nguyên nhân hàng đầu khiến làn da bị tổn thương, thúc đẩy quá trình lão hóa và nhiều nguy cơ sức khỏe khác, bao gồm:

1. Gây ung thư da

Tiếp xúc thời gian dài với tia cực tím làm tổn thương ADN, gây thay đổi và tăng sinh bất thường tế bào, dẫn đến ung thư. Tia UV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư da, với 3 dạng chính là: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư tế bào hắc tố ở da (melanocytes). Nếu không được điều trị kịp thời, khối u có thể di căn sang các cơ quan khác và gây tử vong. 

2. Làm da cháy nắng, sạm đen

Khi tiếp xúc với bức xạ UV, da sẽ sản sinh sắc tố melanin như một cơ chế tự bảo vệ chống lại tác hại từ các tia này. Quá nhiều sắc tố melanin sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về da như: tăng sắc tố, sạm đen, nám da và tàn nhang.

3. Đẩy nhanh tốc độ lão hóa da

Một trong những tác hại của tia UV với làn da là thúc đẩy quá trình lão hóa da. Tia UV làm thay đổi cấu trúc biểu bì da, phá hủy các sợi collagen và elastin. Đây là 2 loại protein rất quan trọng, tạo nên “bộ khung” nâng đỡ da, giúp da săn chắc, căng bóng. Do đó, da sẽ có xu hướng bị chùng nhão, xuất hiện các vết chân chim, nếp nhăn. Tia nắng mặt trời cũng khiến da bị khô, mất đi sự mềm mại và trở nên thô ráp hơn.

4. Gây tổn thương hệ miễn dịch

Tia UV có thể thay đổi sự phân bố và chức năng của tế bào bạch cầu, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống miễn dịch. Tình trạng này kéo dài có thể khiến hệ miễn dịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

5. Gây hại trực tiếp đến mắt

Mắt là cơ quan thứ hai chịu tác hại tia UV nặng nề nhất. Những người thường xuyên tiếp xúc với tia UV sẽ có nguy cơ đục thủy tinh thể cao hơn bình thường, dẫn đến mù vĩnh viễn. Ngoài ra, tia cực tím cũng làm tăng tỉ lệ mắc các bệnh về mắt khác, như: ung thư mí mắt, thoái hóa điểm vàng, mộng mắt…

Cách bảo vệ da trước tác hại của tia UV hiệu quả

Cách tốt nhất bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV là cần hạn chế tối đa để da trần tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Ngoài ra cần lưu ý những điều sau:

1. Luôn thoa kem chống nắng

Luôn nhớ thoa kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên từ 15 – 30 phút trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, kể cả khi ở trong nhà hoặc khi thời tiết âm u. Nên thoa lại sau mỗi 3 – 4 giờ, nếu da đổ mồ hôi hoặc tiếp xúc với nước, cần thoa lại nhiều lần hơn.

2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học

Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ hỗ trợ làn da khỏe mạnh từ bên trong, hạn chế các dấu hiệu lão hóa do ánh nắng mặt trời. Nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, hạn chế thức ăn chế biến sẵn và nhiều dầu mỡ.

Đặc biệt, những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể bảo vệ cơ thể khỏi tác động xấu từ tia cực tím, hạn chế nguy cơ ung thư da. Ngoài ra, đừng quên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để duy trì cơ chế bảo vệ tự nhiên của da.

3. Sinh hoạt lành mạnh, điều độ

Ngủ đủ giấc, vận động thể thao thường xuyên cũng là cách duy trì làn da và cơ thể khỏe mạnh.

4. Áp dụng các biện pháp chống nắng cơ học

Khi ra ngoài trong điều kiện nắng gắt, đừng quên sử dụng những trang phục bảo hộ cho làn da như váy chống nắng, áo khoác chống nắng, khẩu trang, ô chống tia UV, kính râm, bao tay, tất chân…

5. Chú ý trang phục khi ra ngoài

Nên sử dụng các loại áo, quần hoặc váy dài để tăng mức độ che phủ và bảo vệ da tốt nhất khỏi tác hại tia UV. Trang phục màu tối sẽ bảo vệ da tốt hơn màu sáng, nhưng cũng hấp thụ nhiều nhiệt hơn. Các loại vải có mật độ sợi dệt cao sẽ có hiệu quả cao hơn vải dệt thưa.

Kính râm cũng là phụ kiện không thể thiếu để bảo vệ mắt khỏi các tác nhân như gió, bụi, vi khuẩn, ánh nắng… Nên lựa chọn loại kính có khả năng chống tia cực tím để không chỉ bảo vệ mắt mà còn bảo vệ vùng da mỏng manh quanh mắt.

6. Hạn chế tối đa để da tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời

Nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nhất là trong thời điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, lúc bức xạ tia cực tím cao nhất.

Tia UV luôn hiện diện trong ánh nắng mặt trời. Do đó, mỗi người cần chủ động bảo vệ làn da bằng kem chống nắng và các phương pháp che chắn khác, tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng để hạn chế tối đa các tác hại của tia cực tím với làn da và sức khỏe.